Lịch sử hình thành

Trong những năm qua, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã dựng nhiều vở diễn gây tiếng vang và nhận được nhiều giải thưởng, như “Biển và bờ” (giải B năm 2013 của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật), “Một thời đất lửa” (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần I và Giải thưởng Hội Sân khấu Việt Nam)… Trong tháng 12/2014, Đoàn ca kịch Quảng Nam sẽ ra mắt vở diễn mới mang tên “Lâu đài cát”.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, phong trào cách mạng miền Nam chuyển sang thế tấn công nổi dậy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân vùng giải phóng và làm nòng cốt cho phong trào văn hóa, văn nghệ của các đơn vị, địa phương, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Mặt trận dân tộc giải phóng; được sự hỗ trợ của Đoàn văn công giải phóng Trung trung bộ và Quân Khu 5, Tỉnh ủy Quảng Đà và Tỉnh ủy Quảng Nam đã quyết định thành lập Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà và Đoàn văn công giải phóng Quảng Nam. Ngày 24/12/1963, tại vùng Tây huyện Đại Lộc, Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà được thành lập và sau đó, ngày 08/10/1964, tại thôn Đồng Linh, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Đoàn văn công giải phóng Quảng Nam cũng được ra đời. Hai Đoàn được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và đóng quân ở căn cứ cách mạng vùng miền núi phía Tây Đại Lộc; Hòn Tàu, huyện Quế Sơn và vùng Lãnh - Ngọc, huyện Tiên Phước.
 
Ngày đầu thành lập, mỗi Đoàn chỉ có dưới 10 đồng chí, đến năm 1967, được tăng cường khoảng trên 30 cán bộ, diễn viên, nòng cốt là các đồng chí có năng khiếu về văn hóa nghệ thuật từ miền Bắc trở về, và từ Tỉnh đội chuyển sang, còn lại là anh chị em được tuyển chọn từ các vùng giải phóng. Ở vùng căn cứ cách mạng, nhiệm vụ chính của Đoàn là tăng gia sản xuất và phục vụ chiến đấu. Ngày ngày cuốc xới các thửa ruộng ven rừng, trồng ngô, sắn trên các đồi bải ven sông, đi gùi gạo muối từ đồng bằng về căn cứ. Đêm đêm tập đàn, tập hát, dàn dựng tiết mục, trích đoạn, vở diễn để phục vụ đồng bào, cán bộ chiến sĩ. Thời kỳ này, chương trình tiết mục của Đoàn là ca, múa, nhạc, tấu, kịch dân ca, kịch nói tổng hợp. Các vở diễn tiêu biểu như “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Ba cha con”, “Một mạng người”, “Đường phố dậy lửa”, các tiết mục độc tấu, song tấu, hợp tấu dân ca như “Quảng Nam tung cánh chim Bằng”, “Bầm ơi”, “Gương anh hùng Đồng Phước Huyến”, “Gửi lòng con đến cùng cha”, “Liên khu V yêu dấu”, “Ba Tơ quê mẹ anh hùng”, các ca khúc như “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Đường tôi đi dài theo đất nước”, “ Nổi lửa lên em”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người”... có nội dung sát thực và phong phú, phục vụ kịp thời cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Quảng Nam.

Tháng 10 năm 1975, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập. Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà và Quảng Nam được sáp nhập, với tên gọi mới là Đoàn Dân ca kịch, trực thuộc Ty Văn hóa Thông tin và sau này là Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khôi phục, ổn định, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng sau chiến tranh, Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục tuyển chọn lớp diễn viên mới được bổ sung từ các địa phương trong tỉnh. Vượt qua những khó khăn của thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh sau ngày giải phóng, Đoàn lại tiếp tục đi biểu diễn phục vụ nhân dân trở về làng cũ khai hoang sản xuất; hoặc các nông - lâm trường ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa; các công trình thủy lợi Cao Ngạn (Thăng Bình), Phú Ninh (Tam Kỳ), Vĩnh Trinh (Duy Xuyên) Hòa Vang (Đà Nẵng). Đoàn đã đem đến cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào nhiều vở diễn có dấu ấn như “Quê hương dậy sóng”, “Khúc hát tình đời”, “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Nàng Sita”.

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam được được tái lập, để phục vụ yêu cầu nhiệm vụ mới, Đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng được phân công về Quảng Nam. Thời gian đầu rất khó khăn vì không có trụ sở, nơi luyện tập, ăn ở, nhưng Đoàn đã nổ lực cố gắng phục vụ nhân dân, với các vở diễn mới có chất lượng nội dung và nghệ thuật, đã để lại ấn tượng cho khán giả như: “Muối mặn đời em”, “Xuân tím”, “Một thời đất lửa”, “Đắng trong hạnh phúc”, “Trái tim trong trắng”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Biển và bờ”.

Bước sang thập kỷ đầu thế kỷ XXI, trong cơn sốt ca nhạc nhẹ bùng nổ ở các thị, thành; đứng sự lựa chọn giữa được là khán giả, doanh thu và mất là nghệ thuật dân tộc, Đoàn ca kịch Quảng Nam đã vận dụng hài hòa các hình thức biểu diễn giữa truyền thống và hiện đại. Qua nhiều lần thử nghiệm đem lại kết quả khả quan, đã khẳng định hướng đi của Đoàn là đúng đắn và phù hợp với tình hình mới. Nhờ vậy, Đoàn ca kịch Quảng Nam vừa hoàn thành chỉ tiêu biểu diễn, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật Quảng Nam. Đoàn rất chú trọng đến sự đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng của khán giả. Không chỉ là những làn điệu dân ca Quảng Nam, dân ca Khu 5, Đoàn còn xây dựng thêm các tiết mục tiểu phẩm nghệ thuật dân gian, tạo cho khán giả sự cảm nhận đa dạng về nghệ thuật truyền thống của Đất Quảng.
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây